Chụp hình lưu niệm cả đoàn tại Bồ Đề Đạo Tràng (Thánh
địa Bodh Gaya) - nơi Đức Phật thành đạo
Trong chuyến hành
hương thiêng liêng này con đã được đặt chân đến bốn thánh tích: vườn Lâm Tỳ Ni
(Lumbini) nơi Đức Phật Đản sanh, Bồ đề đạo tràng (Bodhgaya) nơi Phật thành đạo,
vườn Lộc Uyển (Sarnath) nơi Đức Phật chuyển Pháp luân và, Câu Thi Na
(Kushinagar) nơi Đức Phật nhập niết bàn cũng như một số nơi khác như Trúc Lâm
Tinh Xá (Veluvana), tháp trà tỳ nhục thân Ngài, Núi Linh Thứu (Gijjhakũta),
sông Hằng (Ganga), Tỳ Xá Ly (Vaishali ), viếng chốn Tổ Ni đoàn, tháp tôn giả A
Nan, trụ đá vua A Dục (Ashoka), vườn nhà ngài Dronna - nơi phân chia xá lợi Phật
cho 8 quốc gia mộ đạo... Trên Phật địa này, mỗi quốc gia có truyền thống Phật
giáo đều xây dựng một ngôi chùa làm biểu tượng của truyền thống quốc gia đó,
chùa Việt Nam có lẽ được xây dựng nhiều hơn các quốc gia khác như: chùa Kiều
Đàm Di ở Vaishali, tiểu bang Bihar do Ni trưởng Thích Nữ Khiết Minh sáng lập,
chùa Đại Lộc (Nam Tông) tại thành phố Varanasi, bang Andhra Pradesh, do Đại đức
Thích Tường Quang trụ trì và Việt Nam Phật Quốc Tự do Hoà thượng Thích Huyền Diệu
sáng lập và trụ trì. Ngoài những ngôi chùa Việt Nam nói trên con còn được đi đến
những ngôi chùa khác như chùa Nhật Bản, chùa Tây Tạng... Trên hành trình về các
thánh tích, con đã rất xúc động khi lần đầu tiên trong đời được cùng đoàn dâng
y tại chùa Niết Bàn ở Kushinaga. Những giọt nước mắt cứ tuôn trào không dừng
khi quỳ trước tôn tượng Đức Phật niết bàn để đảnh lễ và xướng niệm danh hiệu
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Không chỉ ở Kushinaga mà những thánh tích
khác con cũng vô cùng xúc động.
Tác giả tại Thánh tích Kushinagar – nơi đức Phật nhập niết bàn
Đoàn dâng y tại Câu Thi Na
Sau thời cộng hưởng tại vườn Lộc Uyển – nơi Đức Phật giảng pháp lần đầu tiên cho anh em Kiều Trần Như
Vườn Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật Đản sanh và núi Linh Thứu nơi ngài giảng kinh Pháp Hoa và nhiều bộ kinh khác. Người ta thường bảo cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng nhiều tiền, nhưng với con tiền tài, vật chất không mua được sự thiêng liêng và mầu nhiệm trong khoảnh khắc con có mặt tại chốn thiêng này.
Ngồi tĩnh tâm trước khi đợi các xe khác đến đầy đủ để cùng tụng đọc Kinh Chuyển Pháp Luân tại Vườn Lộc Uyển
Hôm đó, sáng sớm
tinh mơ đúng 3 giờ 30, đoàn bắt đầu xuất phát để đi núi Linh Thứu, con ngồi xe
số 1 (cả đoàn có 10 xe), cứ nghĩ mình sẽ là một trong những người đầu tiên đặt
chân lên núi Thứu trong một ngày mới. Ấy vậy mà đến nơi rất nhiều xe đã đến trước.
Xe nào đến trước thì lên trước, ai ai cũng leo núi trong chánh niệm vì trời còn
rất tối, phải đi nép bên trái để lên vì bên phải là vực núi nguy hiểm. Mỗi vị đều
cầm đèn pin và tập trung nhìn xuống đất trong chánh niệm. Sau 30 phút ... “tìm
Phật”, con và cô Tuyết đã lên đến đỉnh thiêng Linh Thứu. Bên trong, mọi người
đã ngồi gần đầy và chỉ còn vài chỗ, con may mắn cùng cô Tuyết đã chọn cho mình
được vị trí ngồi yên. Rất nhiều người dầu đến rất sớm nhưng không còn chỗ đã phải
ngồi dọc bên khe đá và dần xuống dốc núi. Dẫu vậy, khung cảnh thật trang
nghiêm, đẹp và thanh khiết khi cả đoàn 355 vị đều rất ý thức ngồi trong tĩnh lặng.
Có nhiều vị chưa phải là Phật tử, thậm chí có người dị biệt đức tin tôn giáo,
có các anh, chị là nghệ sĩ nổi tiếng, doanh nhân... ai cũng ngồi thật yên giữa khí trời mát lạnh,
không gian tĩnh mịch của non thiêng Linh Thứu hùng vĩ và bao la. Một chút suy
tưởng hiện về, có lẽ một đời kiếp nào đó con đã từng một lần được ngồi ở đây, từng
tụng đọc kinh Pháp Hoa, hoặc đã từng một lần được nghe Thế Tôn thuyết Pháp.
Trên cuộc hành trình, ngồi xe con đã được lắng nghe các anh chị trò chuyện “Không phải ai muốn đến nơi này là được, phải đủ duyên, đủ phước và phải có đức
tin mới được trở về vùng đất thiêng này”.
Tụng Kinh Bổn Môn Pháp Hoa trên núi Linh Thứu
Sau mấy chục phút tĩnh tâm, tiếng chuông ngân lên, tất cả đại chúng cùng thọ trì kinh Bổn Môn Pháp Hoa (do HT. Thích Trí Quảng soạn dịch). Hơn 350 vị khác miệng chung lời, âm thanh vang cả không gian núi rừng tĩnh mịch thật huyền nhiệm. Cảm xúc trong con dào dạt không ngôn từ nào có thể diễn tả được. Miệng tuy tụng kinh mà cổ cứ nghèn nghẹn vì niềm hạnh phúc trào dâng.
Khi đến Phẩm thứ 15 - Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất tự nhiên tâm con xúc động lạ kỳ, nước mắt cứ ứa ra không kiềm lại được. Con thật sự tâm đắc phẩm kinh này quá. Con hạnh phúc vì cảm nhận và hiểu được lý kinh. Con hiểu đại ý rằng có rất nhiều vị bồ tát xin Đức Thế Tôn được đi theo ngài đến cõi ta bà này để yểm trợ ngài hóa độ chúng sinh. Nhưng Đức Phật chối từ và dạy rằng ở mỗi quốc độ đều có bồ tát ở nơi đó phát tâm hành đạo. “Tùng địa dõng xuất” nghĩa là từ đất vọt lên. Hàm ý rằng, mỗi nơi, mỗi chốn đều có “Bồ tát địa phương” ẩn tàng, Đức Thế Tôn đi đến đâu sẽ có những vị bồ tát ấy xuất hiện và yểm trợ Ngài. Và, chỉ có những người sống trong cộng đồng đó, quốc gia đó thì mới có thể làm đạo tốt, mới có thể bám rễ vào cộng đồng sâu. Dư ảnh, dư âm của hành trình theo Thầy sang châu Âu chợt hiện về khiến con nhớ đến các anh chị bên Czech, Đức, Ba Lan... như các quí anh chị Đang - Lan, Khánh Đạt - An Hạnh, Khánh Đức - An Huệ, Nam - Hương, Tùng Anh, Thiết - Uyên, chị An Ngọc, chị An Thiện, anh chị Tâm Châu, anh chị Minh Hoa - Diệu Linh... Các quí anh chị đã phát tâm yểm trợ Thầy, làm cánh tay nối dài của Thầy gánh vác một phần công việc Phật sự ở bổn xứ. Đây không phải những Bồ tát tùng địa dũng xuất ngay tại địa phương đó sao?
Con thầm kính ngưỡng và biết ơn các anh chị những vị Bồ tát lòng đầy kham nhẫn cùng thầy hành đạo. Không biết con nghĩ có sai không, dẫu Thầy dày công ươm mầm Phật pháp bao lâu ở trời Âu mà thiếu những vị “ Bồ tát địa phương” này thì đạo nghiệp hoằng pháp của Thầy sẽ rất khó để thành tựu.
Khoá tụng Bổn Môn Pháp Hoa Kinh viên mãn cũng là lúc bình minh từ từ ló dạng. Phía bên chân trời kia mọi người bỗng ồ lên khi thấy sắc cầu vòng lấp lánh thật huyền diệu, dầu trời quang không hề có mưa. Không phải chỉ có con mà rất nhiều người cảm được niềm thiêng này, lòng tràn đầy xúc động. Có nhiều người môi mỉm miệng cười mà sao nước mắt ràng rụa, người trước người sau cùng chia nhau từng mẩu khăn giấy và nhận lại lời cảm ơn rất nhẹ nhàng, mà trong đoàn nhiều người chưa kịp làm quen.
Khoảnh khắc thiêng liêng ấy, con thật sự cảm nhận được niềm Pháp hỷ tự thân, dầu lòng dâng trào niềm cảm xúc, con vẫn giữ sự bình thản và chánh niệm trong từng bước chân để hòa mình trong đoàn giã từ núi Thứu , hướng về vườn Lâm. (còn nữa)
Lệ Mai
Một số hình ảnh khác:
Dự Lễ Chúc Phúc tại chùaTây Tạng
Chụp hình lưu niệm tại chùa Hương Tích - Vườn Lộc Uyển
Tin Tức Liên Quan
- Theo Thầy Thăm Lại Vườn Xưa (tt) (15/11/2022 9:20)
- Người Tu và Chén Trà (15/11/2022 12:22)
- Theo Thầy Thăm Lại Vườn Xưa (12/11/2022 7:24)
- Theo Thầy Đến Miền Viễn Xứ (bài cuối) ( 9/11/2022 1:44)
- Theo Thầy Đến Miền Viễn Xứ (Bài 4) (31/10/2022 3:21)
- Hoà Thượng Thích Chân Tính Thăm Thầy Trí Chơn (21/10/2022 1:31)
- Theo Thầy Đến Miền Viễn Xứ (Bài 3) (19/10/2022 9:24)
- Theo Thầy Đến Miền Viễn Xứ (Bài 2) (11/10/2022 7:01)
- Theo Thầy Đến Miền Viễn Xứ (Bài 1) ( 8/10/2022 3:00)
- Thầy Đã Có Mặt Cho Chúng Con ( 5/10/2022 8:36)