Thương Đất

21/12/2022 11:02
Sáng nay, cô Tâm Trí đưa đi tản bộ. Vừa ra khỏi cổng Đại Ân được vài chục mét thì xa xa bóng dáng một bà cụ đang cặm cụi cuốc đất.

Cô tiến tới nói vài câu tiếng Nhật gì đó. Bà cụ dừng lại, chống cuốc nhìn lên rồi cũng đáp lại vài câu tiếng Nhật. Thế là cả chúng tôi hồ hởi bước vào vườn rau của bà. Khu vườn không lớn lắm, chỉ là khoảnh đất nhỏ trồng củ cải, hành và một vài loại rau.


Tôi bảo bà sao không nghỉ ngơi cho khỏe mà ra cuốc đất giữa tiết trời đông giá thế này. Qua thông dịch  của cô Tâm Trí bà trả lời: Vài hôm nữa sẽ có tuyết rơi dày, vì thương đất nên cuốc trước cho tơi xốp. Hai từ “Thương đất” làm tôi bất ngờ, nên vờ nói chưa nghe rõ rồi cô dịch lại một lần nữa cũng y vậy. 




Thường thì chúng ta “thương mình” nhiều hơn: sợ tuyết rơi xuống đóng  băng khiến ta trồng trọt khó khăn, sợ đất cứng khiến ta khó cuốc, sợ đất xấu làm ta mất mùa… Trong khi bà thì “Thương đất” vì sợ đất chết, sợ tuyết phủ dày sẽ làm đất cũng đông cứng như băng tuyết. Bà chăm đất bằng tình thương như vậy thì rau nào mà chẳng tươi, củ nào mà chẳng tốt. 

Trò chuyện một lúc bà bước qua luống rau kế bên nhổ mấy củ cải trắng tặng chúng tôi. Tôi hỏi “Sao bà không để dùng mà lại cho đi”. Bà cười nói: “Ăn uống gì đâu, chỉ có tấm thân già sống một mình nên trồng cho vui, ai thích thì tặng”. Thế là chúng tôi hì hục đào củ cải. Cây cuốc bị gãy cán nên bà lấy mấy sợi vải bó lại, tôi cuốc mà nào có dám mạnh tay, mãi đến một lúc mới đào được một củ. Dù cố đào cho nguyên vẹn nhưng củ cải lớn quá, lớn như quả bí đao nên bị gãy bên dưới. Cầm củ cải nhưng tôi lại thấy đất mẹ mềm mại tơi xốp  và thấy luôn cả tình thương của bà. 


Cuốc xong, lại chum nước rửa tay, nhưng nước đã đóng thành đá. Lúc đó mới thấy tay bị cóng vì lạnh. Bà như hiểu được tôi nên mỉm cười thông cảm. Tôi nhìn bà mà thấy lòng ấm lên. 





Cụ Yamaguchi tuổi đã 83, ở ngay trước chùa Đại Ân- Honjo. Cụ sống thui thủi một mình trong căn nhà ọp ẹp đứng kế vườn rau,  tôi nghĩ cái lều trại thì đúng hơn vậy mà tâm cụ bao la quá. Cụ thương đất, thương rau, thương người. Cụ đội chiếc mủ vải truyền thống Nhật Bản trông như mũ Quán Âm. Vâng, mẹ Quan Âm. Chỉ cần ngắm cụ thôi cũng thấy được ấm, được thương. 


Bái biệt bà bước chân ra đi mà vẫn ngoáy cổ ngắm nhìn bà thêm lần nữa.
Về nhà, mấy cô nấu nồi canh củ cải mang lên, hình ảnh bà hiện về, bay bổng trong bát canh thơm, ấm áp cả chùa. 


Trí Chơn 

 

Tin Tức Liên Quan