Bài pháp vô ngôn

27/09/2019 11:36
Chuyến hoằng pháp kết thúc, tôi lưu lại thêm 2 ngày tại một căn nhà của ông bà nằm yên ắng tại thành phố Burbank, gần Los Angeles.CA.

Ở Khánh An, mỗi lần nhắc đến hai chữ “Ông Bà”, từ chư tăng đến phật tử công quả không ai là không biết. Đó là ông bà Đức Bạch - Diệu Thiện.

Kể từ khi biết nhau, ông bà mỗi ngày vẫn “chầu chực” trên website hay kênh youtube để trông ngóng về những chương trình tu học ở Khánh An. Ông bà thích đọc những bài viết của mấy cháu. Vui vì thấy giới trẻ biết tu tập, lấy sự tu hành của các cháu làm niềm vui của mình. Bà nói “Có tuổi rồi, cơ hội tu tập không còn bao nhiêu, thấy những trái tim non trẻ biết nuôi dưỡng hạt giống bồ đề thích làm sao”. Thỉnh thoảng vào ngắm những góc nhỏ thân quen dưới mái tu viện tình nghĩa: ao sen, chiếc thuyền con hay luống rau xanh mướt sau vườn. Có khi bà gọi về thăm hỏi “Làm gì mà đen thế, sức khỏe thế nào mà sao ho nhiều vậy”.  Thì ra ông bà xem bài giảng trên youtube rồi để ý.

Vì nhớ thương, vì tâm đạo nhiệt thành nhưng không gian cách trở nên mỗi năm, cứ Vu lan về hay tết đến thì cả Khánh An mừng đón ông bà “trở về nhà”.

 


Hình ảnh ông bà lão lụ khụ, nắm tay nhau mỗi sáng, bước chầm chậm trò chuyện vui tươi trên sân Khánh An đã khiến không biết bao người trầm trồ cái thủy chung như nhất của hai cụ. Nhưng, hình ảnh này ít dần vì một vài năm trở lại đây sức khỏe yếu rõ, phải cố gắng lắm ông bà mới về được một lần dịp tết. Sợ rằng, ngày qua ngày cái “một lần” kia mà hơi thở  không cho phép nữa thì...

Chuyến hành đạo lần này, tưởng chừng như khó gặp, vì xứ Mỹ bao la trong khi lịch thuyết giảng lại quá khít. Nhưng hữu duyên tương ngộ, bà gọi nói “Xin thầy về nhà con ở thêm vài ngày, con sẽ đổi vé cho thầy, vì hai con đã yếu cả rồi”. Câu nói của bà qua điện thoại cứ ngắt quãng rồi thưa dần. .. tôi hiểu được sự xúc động nơi bà.

Vào ngôi nhà nhỏ thân quen ngày nào, cũng không có gì thay đổi, chỉ khác là nhà có thêm ... chiếc gậy chống. Để ý từng bước ông đi, dường như yếu hơn, còn bà muốn bước thì tay phải chống vào lưng đi cho đỡ nhứt.

 

Đi qua 16 tiểu bang, đến mấy chục ngôi chùa, không biết bao lần di chuyển. Nhưng giờ đây, ở trong căn nhà này, tôi chỉ muốn thật sự có mặt trọn vẹn cho ông bà. Và, cả hai cũng cần tôi một “thời pháp” kéo dài .. hai ngày mà không cần thăng toà, không cần micro - Bài pháp chỉ cần có mặt chứ không cần lời.

Biết tôi đang ở Los Angeles, một số quí sư cô và Phật tử ở Santa Ana, Westminter,  ... muốn đến thăm nhưng tôi ... “bận” nên không tiếp được. Ở cái tuổi không chỉ xế chiều mà là ... sẩm tối. Một khi sự sống chỉ được tính bằng ngày  thì món quà cho ông bà có gì quý hơn là có mặt, chỉ cần có mặt thôi!

Mờ sáng là bà đã lủi thủi dưới bếp, nướng bánh mì, vắt nước cam, pha trà, chế sữa. Ông cụ và ông thầy xuống là bữa sáng đã sẵn có trên bàn, cứ thế mà ... trò chuyện.

 Trưa, ông chở đi Souplantion ... cho biết quán chay Mỹ. Một ông già tuổi đã 90, lại nặng tai - nặng ơi là nặng - vậy mà lái xe cào ào trên freeway. Tôi ngồi kế bên cứ phải ...  “đạp thắng” mỏi cả chân. Điều tôi cảm nhận được là thấy ông bà vui,  khỏe, hớn hở lắm, cười nói cả ngày. Có lẽ vui vì được chăm sóc “Ông Thầy”.

 

Tối đến, bà lụi cụi gói từng gói quà nhỏ rất kĩ lưỡng để “Thầy làm quà tặng”. Mỗi món quà đều được dán tên  người nhận một cách trịnh trọng ngoài bao bì. Tôi cầm thử một món mở ra. Ôi, cảm xúc trào dâng, mỗi món quà đều có tấm ảnh của người nhận để bên trong. Bà lục lọi hình ở đâu mà có đủ hình những mấy chục người (?!). Hỏi thì bà chỉ nhoẻn miệng cười “có lòng với nhau thì tìm gì cũng ra”.

Hai ngày có mặt trong căn nhà nhỏ với hai trái tim già, từ sáng đến tối, việc lau dọn, quét tước, nấu ăn; cùng với việc chợ búa, mua sắm cái này, chị phí cái nọ, tất cả đều tự lo. Có những lúc ông bà nói chuyện với nhau mà tôi không nhịn được cười. Cái “nhĩ căn viên thông” của ông khiến bà lúc nào muốn nói cũng phải ...  phát thanh hết công suất. Mà hễ “bắt được tầng sóng” của bà thì ông nổi quạu, chạy đến méc tôi: “Thầy coi đấy bả la con suốt ngày vậy đó”. Trong khi bà thì chỉ tủm tỉm cười - nụ cười cảm thông.  Tôi nói vào tai ông: “Bà chỉ nói toàn chuyện yêu thương, chỉ vì ông không nghe nên phản ứng, đừng có vậy mà bà buồn”. Thế là đôi mắt ông  lại đỏ lên rồi xít lại ôm chầm lấy bà.

Ông nguyên là phóng viên của đài NBC Hoa Kỳ (còn ba làm kế toán cho đài  truyền hình này) nên chụp hình rất nghệ thuật. Không chỉ vậy ông còn là một họa sĩ. Nhìn quanh nhà đâu cũng tranh, nhất là những bức tranh làng quê Việt Nam. Bất ngờ tôi nhìn lên tường, một bức tranh lớn nhất được treo trịnh trọng chỗ phòng thờ. Đó là tranh ông vẽ Hòa thượng  Yoshimizu Daichi và tôi chụp ở Tu viện Khánh An xuân 2017. Lúc đó ông cũng về đón tết ở Tu viện. Tôi hỏi bức tranh này ông vẽ  trong thời gian bao lâu. Không suy nghĩ, ông nói mất  khoảng tám tháng. Tám tháng trời ròng rã của một ông cụ gần 90 tuổi ngồi để vẽ tranh về tôi. Xin hãy chỉ dùm tôi đây là nghĩa tình gì? Ngôn ngữ hạn hẹp của tôi không diễn tả được.

 

Điều tôi đý là trước bàn thờ Phật và tiên tổ, luôn có sẵn hai chiếc ghế. Tôi không hỏi ông bà ngồi để tụng gì, đọc gì, nghĩ gì. Tôi hình dung ông bà mỗi sáng tối chỉ cần ngồi ngắm Phật và theo dõi hơi thở. Thế là đủ rồi. Bà kể: “Hễ sau khi ngắm Phật xong là ổng nhìn xuống bàn bên  dưới nói chuyện với mẹ thầy ạ. Ông xin lỗi mẹ mỗi ngày, xin lỗi vì những năm tháng xa quê, không về được, điện thoại cũng không dễ dàng liên lạc như bây giờ, thư tín thì có khi nữa năm mới nhận được.  Thế rồi, ở quê nhà cha mẹ lần lượt ... về với tiên tổ.  Nơi đất khách quê người, con tim thắt lại, cõi lòng quặng đau, nước mắt cũng khô cạn không còn để mà khóc. Mỗi hoàng hôn về chỉ biết dập đầu lạy tạ mẹ cha”. Tôi nhìn sang ông, đôi mắt đỏ hoe, cúi nhìn xuống đất như để che dấu nỗi đau!

Nhưng rồi ẩn chứa đằng sau  chuyện hiếu đạo ấy là cả một câu chuyện tử sinh của hai tấm thân viễn thiên cận địa.

Hễ ăn sáng xong là bà nói ...  “di chúc” còn ông cũng “nói lời sau cùng”. Ông nói, thầy ạ, hơn hai mươi năm trước,  trong một lần bị tai nạn giao thông, con gần như đã nằm chết trên xe. Nhờ “biết chết”  lần đó nên con cảm nhận vô thường, thanh thản đón nhận nếu nó tới lần nữa. Còn bà thì tâm sự, không muốn làm phiền ai, mọi việc đã sắp đặt hết rồi, hòm thì đã mua, mua hòm giấy cho rẻ tiền, nhà tang lễ cũng đã báo hết rồi. Chết họ không cho để ở nhà đâu thầy ạ. Tôi ngồi nghe mà lòng cứ quặng lại. Tôi hỏi, cuối đời bà ao ước gì. Bà cười nói “Con ao ước ... ổng chết trước thầy ạ”. Sao vậy?”. Ổng chết trước để con lo hậu sự. Con mà chết trước thì ổng khổ, mà sống tiếp thì không ai lo. Còn con thì, sống sao cũng được mà chết sao cũng được. Con đã dặn dò hết rồi, thiêu con xong là thả biển để trôi về Việt Nam”.

Tôi thì lý thuyết vô thường đã thuộc, thực hành vô thường thì mỗi ngày vẫn chiêm nghiệm. Vậy mà ngồi nghe ông bà “giảng”, mới cảm nhận cái thực tập vô thường của mình chưa đi tới đâu. Cái “Vị thế pháp sư” của mình dường như đã nhường chỗ cho bài pháp vô thường cực kỳ sinh động của ông bà.

Trước đây, hễ nghe bà nói tới vô thường là tôi ... can thiệp: “khéo lo xa”. Nhưng giờ thì tôi đã hiểu “làm gì cũng phải có sự chuẩn bị” 


Kết thúc hai ngày có mặt cho nhau (Be there for each other) rồi cũng phải nói lời  giã biệt. Chia tay, ông bà đưa tôi ra tận sân bay. Ông nói, “Từ lúc biết thầy rồi thân thiện, mỗi lần gặp thầy  con gần như không biết xá chào, cái trân trọng của con dành cho thầy là chỉ có ôm. Có gì thầy đại xá”. Tôi tự ngẫm “À, thì ra mình cũng vậy. Gặp ông bà là chôm. Cái sen búp tặng người kia nó đã héo rụng đâu mất rồi. Bao giờ thì tôi mới chịu chắp tay trước ông (?). Hay để chờ... 

Tôi bước lên lầu làm thủ tục check in, rồi cả hai giơ tay chào nhau giã biệt. Tôi tiếp tục đứng nhìn hình bóng ông bà khuất dần trong đám đông, rồi biền biệt.

Nhìn xuyên qua những tấm kính mờ, bóng hoàng hôn đã dần phủ, những chiếc máy bay nối nhau phóng lên bầu trời rồi lẫn khuất trong màn đêm. 

26/09/2019

Trí Chơn


Tin Tức Liên Quan