Có Những Khổ Đau…

23/12/2022 8:30
Hôm ở chùa Hoà Lạc - Kobe khi tôi vừa giảng xong, có cô bé giơ tay lên thưa: “Bạch thầy con là Chân Trí Hiền về dự tu ở Khánh An từ bốn tháng trước, thầy còn nhớ không?”. Vừa nói cô vừa tháo chiếc khẩu trang ra, lúc đó tôi mới nhận diện được cô bé đến dự tu hôm nào.


Hiền ở Trảng Bom -  Đồng Nai sang Nhật du học đã vài năm, tháng tư tới là tốt nghiệp cao đẳng. Cháu dường như đã oằn vai bởi gánh nặng gia đình. Bố ung thư phổi giai đoạn cuối, mẹ viêm xoang nặng và có hiện tượng trầm cảm, ba đứa em nhỏ một đứa lên 3, đứa giữa là 5 (bị tự kỉ) và đứa lớn là 7 tuổi. Cháu vừa học vừa làm, kiếm được đồng nào gửi về chăm cha mẹ bệnh và ba đứa em thơ. Hôm ở Khánh An, cháu nói trong  nước mắt: “Thầy giúp con thực tập phương pháp nào để có đủ nghị lực lo cho ba mẹ đang bị bệnh và ba đứa em thơ khi mà sức con đã kiệt rồi”. Cháu nói xong, cả pháp đường chùng xuống với một khoảng lặng bao trùm, những chiếc vạt áo đã đưa lên chặm dòng nước mắt. Tôi thấy mình cũng trở nên yếu ớt trước sức chịu đựng phi thường của cô bé gầy guộc, nhỏ thó ở tuổi 26. Hôm nay, gặp lại cũng trong một thời pháp, cũng cánh tay bé bỏng ấy giơ lên nhưng cháu không xin “Phương pháp giúp nghị lực…” mà là “Thầy giới thiệu giúp con có trung tâm từ thiện nào có thể nhận ba đứa em thơ của con không?”. Cháu vừa nói vừa cười mà nước mắt cứ lăn dài trên má. Dịch bệnh trong mấy năm qua đã quật ngã “nữ anh hùng hiếu nghĩa” kia không còn sức để chăm học chăm làm. Tự thân đã không lo nổi nói gì đến gánh thêm bố mẹ và ba đứa em thơ ở quê nhà. Gia cảnh của Hiền rất nhiều Phật tử biết chuyện nhưng nghe cháu bộc bạch ai cũng cúi đầu dấu lệ. 



Chân Trí Hiền bộc bạch sau pháp thoại tại chùa Hoà Lạc - Kobe



Chân Trí Hiền xin chụp ảnh với thầy khi vừa kết thúc thời giảng 



Giảng xong, chúng tôi tranh thủ ra tàu để có mặt ở Tokyo vào lúc 17 giờ kịp dự đêm nhạc hội góp quĩ xây dựng chùa Đại Ân. Tàu cao tốc Nhật Bản được cho là chính xác đến từng giây. Ấy vậy mà hôm đó tàu liên tục ngừng và liên tục nói lời xin lỗi vì “lý do kỹ thuật”. Khi tàu đến ga Shinagawa Tokyo thì đã chậm gần 3 giờ đồng hồ so với dự kiến. Chúng tôi về tới Trung tâm Văn hoá quận để dự nhạc hội trong khi chưa hiểu chuyện gì thì mọi người đã cho biết “Tàu trễ chuyến là do đã có một nạn nhân trẻ chọn cái chết bằng cách lao đầu vào đường ray”. 


Nhật Bản được mệnh danh là đất nước Mặt trời mọc vậy mà bóng tối khổ đau vẫn bao trùm mọi nơi; là xứ sở của Hoa anh đào xinh đẹp nhưng nỗi buồn của trầm cảm, bế tắc, tuyệt vọng vẫn hằn sâu trên khuôn mặt của một phần xã hội do áp lực của công danh, sự nghiệp. Lao đầu vào tàu để “giải phóng” khổ đau đang là quốc nạn của đất nước Samurai. Trung bình mỗi năm, Nhật Bản có gần 30.000 người chọn đường tàu để kết thúc sự sống. 

Cộng đồng người Việt sinh sống tại Nhật Bản, tuổi trẻ chiếm tỷ lệ khá lớn, những trường hợp khó khăn như  Hiền không phải là ít. Ở chùa Đại Ân chỉ vài ngày nhưng tôi đã chứng kiến nhiều thảm cảnh không thể khổ đau hơn. Cháu Việt bị trầm cảm bố mẹ gửi lên chùa để nhờ chăm sóc. Chị  Tâm bị gãy tay mà không có giấy tờ tùy thân, không bảo hiểm, không tiền bạc để đi viện. Một bạn trai sang Nhật được 3 năm vừa giải quyết xong khoản vay chưa kịp ăn mừng thoát nợ thì đột quỵ chết. Đang ngồi xe đi  Phú Sĩ Sơn thì cô Tâm Trí đưa tôi xem tấm hình với… hai cục thịt đỏ hỏn hòn hon. Phải nhìn mãi mới biết đó là hai hài nhi vừa sinh non, chỉ mới 22 tuần thai đang nuôi trong lồng kính mà bố mẹ là đôi vợ chồng trẻ đang túng thiếu. Một ngày trước khi về lại Sài Gòn, cháu Nguyên Tâm - đệ tử cô Tâm Trí - thở dài nói “Một bạn trẻ người Việt do làm việc quá sức, thời tiết lại quá lạnh đã khiến anh đột quỵ vừa qua đời sáng nay Sư ông ạ”… 


Con người cần cầu cái gì ở đời mà khổ đau đến vậy, giá trị đích thực của cuộc sống nằm ở đâu, bao giờ con người mới chạm được hạnh phúc chân thật trong kiếp mong manh này? Pháp Phật hoá giải nổi khổ này như thế nào? Sao Đức Phật không ra tay cứu vớt? 

Người Phật tử đến với đạo không phải xin Phật cứu khổ mà xin thực tập để thấy được nguyên nhân gây khổ và phương pháp xử lý khổ đau. Cầu nguyện không phải để tránh được chướng duyên mà là để có đủ nội lực hóa giải nghịch cảnh. Tu theo Phật không phải để khổ đau biến mất mà là để bước qua khổ đau một cách nhẹ nhàng, chuyển hoá khổ đau một cách ngoạn mục.  Đức Phật không cho ta tiền của, tài sản nhưng ngài giúp ta hiểu được bản chất hai mặt của tài sản và biết cách sử dụng nó, xử lý nó. Đức Phật không giúp ta thoát bệnh, thoát chết nhưng ngài giúp ta hiểu được bệnh chết là nửa kia cấu thành lẽ sống, nó hiển nhiên như ngày - đêm, sáng - tối… Chiếc chìa khoá mở cửa bất tử nằm ngay trong nhận thức mỗi người. Thực tập pháp là để thay đổi nhận thức, thấy được pháp một cách trọn vẹn, chân thật. Ta không thể chăm sóc người thân trên mọi phương diện nhưng ta có thể sống bằng trái tim yêu thương trọn vẹn. 

Một nghịch lý xảy ra với con người là sống với vô thường mà không thừa nhận vô thường. Cuộc sống là bất toại ý mà làm điều gì cũng ước mong như ý. Tự thân vốn vô ngã mà vẫn luôn xây dựng cái ảo tưởng về một thật ngã. Cho đến khi nào con người nở nụ cười đón nhận ba nguyên lý vô thường, vô ngã và bất toại ý như sự thật hiển nhiên, sống với nó như nước uống cơm ăn thì con người mới mong giải phóng khổ đau. 

Không thực chứng ba  nguyên lý này cho dù định cư ở bất cứ nước nào kể cả nước Phật bạn vẫn mãi là con người khổ đau. 

Trí Chơn 

 

Tin Tức Liên Quan