Một Cánh Mai Tâm Xin Dâng Đời Khổ Bệnh

4/01/2023 6:36
Tôi đến bệnh viện trong một chiều nhạt nắng. Mang theo chút tâm bình an, tĩnh lặng gửi đến mọi người. Song, trái tim hạn hẹp của tôi không đủ sức lan tỏa tình thương đến với quá nhiều người bệnh khổ. Không chỉ bệnh nhân mà cả những người nuôi bệnh, ai cũng hiện nét mỏi mệt, những người có tuổi hằn rõ nỗi lo trong ánh mắt.


Bệnh viện Ung Bướu TP. Thủ Đức được xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng một vài năm, song vẫn phải oằn mình đón nhận bệnh nhân đến điều trị. Số lượng bệnh nhân cũng bắt đầu có hiện tượng quá tải. Trong lúc đang đứng ngoài sảnh bệnh viện đợi chị Nguyệt - chuyên viên Phòng công tác xã hội phát phiếu cho người nhận quà, bất chợt một người đàn ông gầy guộc, đôi mắt thất thần lao đến trước mặt tôi, một tay cầm cây thánh giá đang đeo trên ngực, tay kia nắm chặt bàn tay tôi rồi thốt lên “Thầy cứu con”. Dù chú tâm để ý đến anh, tôi vẫn nghe nơi lòng bàn tay mình sột soạt, nhìn xuống, anh đang nhét vào tay tôi mấy chục ngàn đồng. Tôi cảm nhận anh dường như bị hoảng loạn, tôi cố rút tay ra để ôm bờ vai anh động viên, vỗ về nhưng bàn tay chai sần kia đã nắm tay tôi quá chặt.


- Người thân anh đang chăm sóc là..? - Tôi mở lời. 

- Vợ của con thầy ạ .

- Vợ anh bị sao? 

- Mổ tim lần thứ hai rồi thầy ơi? 

- Chị bị ung thư tim? 

- Không phải…

- Vậy chứ bệnh gì? 

- Hai lần mổ tim đã làm bà ấy thập tử nhất sinh, gia đình kiệt quệ vậy mà giờ… anh nấc lên không nói được nữa, rồi đưa ngón tay trỏ chỉ chỉ lên đầu. Một lát sau môi anh bậc lên…ung thư não nữa thầy ơi! Nói xong anh gần như ngã thẳng vào người tôi… 



 

Bên trong, Phòng công tác xã hội đã thực hiện xong các thủ tục, những người được nhận quà đã cầm phiếu trên tay và xếp hàng đứng chờ. Tôi nấn ná với anh một lát rồi rức khỏi tay anh đi thẳng vào trong để thực hiện việc tặng quà, nhưng đi được nửa đường không đành lòng nên quay trở ra. Chị Thanh Tịnh hiểu ý đưa cho tôi một bao thơ, tôi bỏ thêm vào một số tịnh tài rồi đi thẳng ra ngoài gặp anh lần nữa. Bước ra cửa, rẽ trái, nơi có những chiếc ghế đá sếp liền nhau. Dáng người đàn ông gầy guộc ngồi chống hai cùi chỏ lên hai đầu gối, tay ôm đầu, nhìn không lẫn vào đâu được. Tôi bước tới ngồi xuống, ôm nhẹ bờ vai anh. Thấy trên tay tôi cầm bao thơ, anh đẩy ra rồi nói trong mếu máo: “Con không cần gì cả chỉ mong Phật, Chúa cho vợ của con sức khỏe trở lại bình thường. Con tin Đức Giêsu, con tin Đức Mẹ và bây giờ con tin Đức Phật nữa, vậy mà tại sao con cầu không được, lẽ nào Phật, Chúa không thương con…”. Tôi chỉ nói được một câu “Lộc của bề trên, xin anh nhận cho” rồi vội vã bước vào trong để mấy trăm người chờ đợi. Đứng trò chuyện, trao quà cho những người bên trong mà lòng trĩu nặng với nỗi đau đang quằn quại bên ngoài.




 

Đó là anh Trần Quang Ngọc có vợ là Nguyễn Thị Loan. Hai vợ chồng xuất thân từ Huế vào Đắk Lắk làm cà phê mướn để nuôi thân. Kể từ khi phát hiện vợ lâm bệnh, anh chạy đôn chạy đáo lo chữa trị, nhà cửa, tài sản cứ lần lượt ra đi để lo cho vợ mổ tim lần một rồi lần hai. Trong lúc còn hoang mang chưa biết mình phải đi đâu về đâu, cuộc sống ngày mai thế nào thì nỗi đau tiếp theo ập đến: vợ bị phát hiện ung thư não…

 

Mỗi người đều có con tim để thở, để yêu thương; có khối óc để nghĩ suy, để hiểu biết vậy mà tim hai lần mổ, óc đã ung thư thì sống làm sao đây! Bệnh nhân là thế đã đành, thân nhân cũng khổ đau không kém. Nhưng đâu phải chỉ có anh, bao nhiêu bệnh viện với biết bao gia đình cũng gặp phải cảnh tình đau lòng như vậy (!?). Bước chân ra về mà hình ảnh đớn đau của anh cứ hiện mãi trong lòng.

 

Điều đọng lại trong tôi là đức tin của anh không bị giới hạn bởi sự ràng buộc của giáo điều tôn giáo, trong anh chỉ có sự thành tâm mà không có sự phân biệt đối tượng tôn kính, chỉ hướng tâm đến năng lượng mầu nhiệm mà không kỳ thị thánh giá hay hoa sen. Ở đời có biết người đang bị trói buộc bởi định kiến về đức tin tôn giáo, tự làm giới hạn tình người vốn không biên cương. Con người tự giam cầm mình trong ngục tù của tư tưởng, tôn giáo, ý thức hệ hay học thuyết nào đó rồi nhân danh cái “chân lý” đó để  hành xử, phán xét, qui kết những tư tưởng khác biệt. Bất cứ sự ràng buộc, phân biệt hay kỳ thị nào khởi lên đều tạo ra năng lượng tiêu cực, nó sẽ không giúp chữa lành nỗi đau dù là thân hay tâm.

 

Điều đọng lại trong tôi là anh vét tiền trong túi của mình để gửi cho tôi như tấm lòng từ thiện hồi hướng phước lành cho cô vợ. Mấy chục ngàn thôi nhưng đó là tài sản lớn của một người không còn gì cả. Một nghĩa cử như để nhắc rằng muốn có hạnh phúc, bình an thì phải biết cho đi. Anh đã “gieo” vào lòng bàn tay tôi… mấy chục ngàn hạt thiện lành. Tôi tin anh và cô bạn đời sẽ đón nhận hoa trái thiện quả.

 

Điều đọng lại trong tôi là năm hết tết đến, người thì về quê để đoàn tụ sum vầy, người thì làm mới cửa nhà để nghinh xuân đón tết, trong khi có những người phải nằm liệt trong bệnh viện ôm lấy nỗi đau, thân nhân thì lê lết ngoài hành lang để chầu chực nuôi bệnh. Thang dược, viện phí không có nói gì đến bánh mức ngày xuân. 

 

Xin khởi niệm an lành như cánh hoa mai dâng đời khổ bệnh. 

 

Trí Chơn

 

Tin Tức Liên Quan